Trung Tâm Y Tế Huyện Văn Chấn Triển Khai Tiêm Vắc Xin Phòng Bệnh Lao Cho Trẻ Sơ Sinh Tại Khoa Chăm Sóc Sức Khỏe Sinh Sản
Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu người tử vong do bệnh Lao. Căn bệnh này được xếp vào top 10 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Bệnh Lao phổi thường gặp nhất với những triệu chứng như ho liên tục kéo dài không khỏi, sốt cao, đau ngực, khó thở… Bệnh nhân nếu như không được phát hiện và điều trị điều trị kịp thời dễ gặp các biến chứng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cũng như là tính mạng như: Ho ra máu, tràn khí màng phổi, suy hô hấp, giãn phế quản, u nấm phổi…
Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin BCG, là loại vắc xin phòng bệnh Lao được sản xuất tại Việt Nam. Trẻ sơ sinh trong vòng 1 tháng đầu sau sinh cần được tiêm vắc xin BCG càng sớm càng tốt.
Trực hiện Kế hoạch số 64/KH-SYT ngày 8/3/2021 của Sở Y tế tỉnh Yên Bái về việc Tiêm vắc xin phòng bệnh lao tại các Trung tâm Y tế tuyến huyện có phòng sinh. Từ ngày 10/3/2021 Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn tiến hành tiêm vắc xin BCG phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh được sinh ra tại khoa Chăm sóc sức khỏa sinh sản của Trung tâm.
Để đảm bảo trẻ có thể trạng tốt khi tiêm chủng và hạn chế các phản ứng sau tiêm vắc xin, bậc cha, mẹ cần lưu ý:
– Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng. Cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như: Đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm chủng. Hỏi cán bộ y tế loại vắc xin trẻ được tiêm.
– Nếu sau tiêm trẻ bị sốt nhẹ, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo (trong vòng 6 tuần sau tiêm) thì đó là những phản ứng bình thường, cho thấy trẻ đã đáp ứng miễn dịch.
– Trong trường hợp các phản ứng sau tiêm trầm trọng như sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần thì cần đưa trẻ đi khám. Đối với những trường hợp trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt lả, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…phải cấp cứu ngay.
– Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, cha, mẹ trẻ cần thông báo cho cán bộ tiêm chủng biết tình trạng sức khỏe của trẻ, tiêm xong cần nán lại cơ sở tiêm 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Khi về nhà, trong vòng 48 giờ sau tiêm vẫn cần theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống xấu nếu không may xảy ra.
BsCKI. Nguyễn Duy Huỳnh
Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ
Hướng dẫn gia đình
theo dõi trẻ tại nhà sau khi tiêm chủng
- Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
– Đảm bảo cơ thể trẻ THOÁNG MÁT về “mùa nóng” và ẤM về “mùa lạnh”. Mùa hè cần mặc thoáng mát, mùa đông cần mặc đủ ấm nhưng không quấn quá nhiều chăn mềm gây khó thở cho trẻ.
– Cho trẻ ăn/bú theo nhu cầu, đảm bảo đủ bữa, đủ số lượng. Không cho trẻ bú khi đang nằm ngủ.
– Không bôi, chườm, đắp bất kỳ thứ gì vào vết tiêm.
– Khi trẻ ngủ, nên chèn gối hai bên để tránh trường hợp trẻ tự lật sấp người trong đêm.
– Khi mẹ ngủ, tránh tư thế có thể nằm đè vào trẻ.
- Theo dõi, xử trí
Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, đo thân nhiệt ngay nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt (người nóng, mặt đỏ, vã mồ hôi…) hoặc có biểu hiện bất thường. Nếu phát hiện có các triệu chứng dưới đây cần xử trí như sau:
Dấu hiệu | Xử trí |
Sốt dưới 38,50C | Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn. Không để trẻ nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. |
Sốt từ 38,50C trở lên | Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoắc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. |
Nếu trẻ nhỏ bị nôn, sặc sữa | Đẩy nghiêng đầu sang bên cho sửa chảy ra miệng. Xử trí ngay bằng cách cho trẻ nằm sấp lên tay và vỗ lưng cho sữa chảy ra, có thể kết hợp hút sữa và đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. |
Sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm | Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì cho đi khám
Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau |
Đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí nếu có một trong các triệu chứng sau:
– Sốt cao liên tục trên 39 độ. – Quấy khóc kéo dài trên 30 phút – Nôn trớ, bỏ bú – Khó thở, tím tái – Phát ban tăng nhanh, xuất huyết, nổi mẩn, dị ứng. – Li bì, co giật, ngất, hôn mê |
|
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí. |