Gắp hai con đỉa từ mũi bệnh nhân tại TTYT huyện Văn Chấn

Ngày 16/12/2019, bệnh nhân Háng A Sử ở xã Suối Bu, huyện Văn Chấn đến Trung Tâm y tế huyện Văn Chấn khám, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong mũi. Bác sĩ Nguyễn Hữu Long, chuyên khoa Tai Mũi Họng, trưởng khoa Khám bệnh, cùng Bác sĩ Hoàng Xuân Hồng thực hiện thủ thuật gắp dị vật là hai con đỉa dài khoảng 5 cm, khỏi hai bên mũi bệnh nhân.

Anh Sử cho biết đầu tháng 12 vào rừng khai thác gỗ, có thể khi rửa mặt, uống nước suối tại rừng đã bị đỉa chui vào mũi ký sinh.

Uống nước từ các khe suối có thể khiến con đỉa theo đó chui vào cơ thể

Theo bác sĩ Long, đỉa sống trong môi trường nước tại các khe suối, chui vào cơ thể người khi tắm hoặc uống trực tiếp nước suối. Khi mới chui vào, kích thước của đỉa chỉ vài mm nhưng chúng sẽ lớn rất nhanh nhờ hút máu của vật chủ. Khi bị đỉa chui vào mũi, biểu hiện thường thấy của người bệnh là cảm giác buồn trong lỗ mũi, xì mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi, đa số bị một bên. Các triệu chứng này dễ nhầm với viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Nếu không nội soi rất khó phát hiện đỉa trong mũi.

Nhiều người bị đỉa sống ký sinh trong mũi nhưng không biết, đỉa sẽ lớn dần và dài ra chèn ép đường thở, hút máu gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên bơi lội, tắm hay uống nước tại khe suối hoặc môi trường nước không an toàn. Nếu có các dấu hiệu bất thường, cần đến bệnh viện khám sớm. Phát hiện có đỉa sống ký sinh trong mũi, khí, phế quản, không được tự ý gắp hay xử lý bằng dung dịch mà phải đến viện để được bác sĩ kiểm tra

Hai con đỉa được gắp ra khỏi mũi bệnh nhân và vẫn còn sống.

Ks Nguyễn Văn Chung

Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ