Trung tâm y tế huyện Văn Chấn triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9/2024)
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Ở nước ta bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Khi đã lên cơn dại, kể cả người và động vật đều dẫn đến tử vong. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Để tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dại, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn nhằm hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh dại vào năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới phát động ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9/2024) với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh dại”.
Tại huyện Văn Chấn, từ đầu năm 2024 đến 31/8/2024 trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại, lũy tích số người phơi nhiễm dại là 409 người, số người được tiêm vắc xin phòng dại là 404 người.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9/2024) Trung tâm Y tế huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tập trung vào các hoạt động:
Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát, truyền thông tư vấn về phòng chống bệnh dại cho cán bộ y tế cơ sở.
Tăng cường truyền thông sâu rộng, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân trên địa bàn trong phòng, chống bệnh dại như: Đăng tải các thông điệp, tin bài… về bệnh dại ở động vật, ở người và các biện pháp phòng chống trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, trang fanpage, zalo nhóm truyền thông đặc biệt là phối hợp sử dụng hiệu quả hệ thống truyền thanh huyện, xã, thôn bản; treo băng rôn tuyên truyền hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại” từ ngày 26/9 – 30/9/2024 tại đơn vị, trạm y tế các xã/thị trấn, khu vực đông dân cư nhằm tạo nên sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, đội ngũ cán bộ y tế và cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại.
Tổ chức lồng ghép hoạt động truyền thông phòng chống bệnh dại vào hoạt động của mạng lưới y tế thôn bản, tuyên truyền viên các ban ngành, đoàn thể (nông dân, phụ nữ, thanh niên…) tại cộng đồng.
Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế – thú y, chính quyền địa phương tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch dại trên người và động vật; tăng cường giám sát các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại, vận động đi tiêm phòng.
Tiếp tục triển khai hoạt động tiêm phòng bệnh dại và điều trị dự phòng bệnh dại trên người, đảm bảo đúng quy định về công tác tiêm chủng, tổ chức trực tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại điểm tiêm vắc xin của Trung tâm Y tế và 2 trạm y tế (Nghĩa Tâm, Nậm Búng) tất cả các ngày trong tuần, phải coi đây là một trường hợp cấp cứu, không để người bị động vật nghi dại cắn đến tiêm mà không được tiêm phòng.
Chủ động dự trù, đảm bảo vắc xin và huyết thanh kháng dại cho người nghèo, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ về chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin dại miễn phí sau phơi nhiễm cho các đối tượng người nghèo theo chính sách hỗ trợ của của Uỷ ban nhân dân tỉnh để các đơn vị triển khai tiêm phòng dại cho người dân, không để tình trạng thiếu vắc xin, huyết thanh kháng dại tiêm cho người nghèo khi bị phơi nhiễm.
Các trạm y tế xã, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại bằng các hình thức truyền thông phù hợp như tư vấn thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, nói chuyện sức khỏe, tư vấn lồng ghép khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Tổ chức truyền thông về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp xử lý khi bị phơi nhiễm với vi rút dại như xử lý vết thương khi bị động vật cắn, cào, tư vấn cho người dân đến điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại để thực hiện việc điều trị dự phòng theo đúng quy định.
Tăng cường công tác giám sát, thu thập thông tin, lập danh sách người bị phơi nhiễm với vi rút dại, tư vấn vận động đi tiêm phòng để hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo cán bộ thú y và các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định, lưu ý những vùng có ổ dịch, vùng có nguy cơ; áp dụng chế tài xử lý vi phạm quy định về vật nuôi, về tiêm phòng vắc xin dại quy định.
Nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại, người phơi nhiễm với vi rút dại để kịp thời xử lý, khi phát hiện chó mèo xuất hiện triệu chứng nghi/mắc bệnh dại phải báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan y tế và thú y để kịp thời xử lý ổ dịch, tiến hành điều tra những người tiếp xúc với chó, mèo trong ổ dịch, tư vấn những người bị cắn, tiếp xúc có nguy cơ lây bệnh phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại; nghiêm cấm mua bán súc vật ở vùng đang có dịch./.
Hoàng Hạnh – Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn.