Da bị khô dày, sậm màu – Bệnh gì?

Tôi có một mảng da hình bầu dục khoảng bằng 2 ngón tay cái ở bắp chân dày hơn chỗ khác, màu cũng sậm hơn, hiếm khi thấy ngứa. Ngoài ra, da ở cùi trỏ, mắt cá chân của tôi cứ bị sẫm lại, sần khô trông rất xấu. Xin hỏi vì sao tôi bị như vậy, chữa thế nào?

Ngô Ngọc Lan (Bắc Giang)

Đa số các bệnh ngoài da thường hay kèm theo tình trạng ngứa. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề về da không gây ngứa ngáy, khó chịu. Thông thường, những trường hợp da bị sần nhưng không ngứa có thể liên quan đến một số nguyên nhân chính sau đây: bệnh á sừng, dầy sừng nang lông, chàm nang lông. Những bệnh này cũng có thể gây ngứa hoặc không ngứa. Á sừng thường liên quan nhiều đến yếu tố thời tiết, độ ẩm, do tiếp xúc với yếu tố kích ứng như hóa chất, xăng dầu, đất bẩn, nước bẩn, do cơ địa và do di truyền. Dày sừng nang lông cũng là một trong những bệnh ngoài da có khả năng gây ra tình trạng da sần lên, tuy nhiên, đa phần không bị ngứa. Tình trạng này thường liên quan đến sự phát triển của vi khuẩn tụ cầu vàng và một số yếu tố khác như hệ miễn dịch kém, môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, có tiếp xúc với nhiều yếu tố kích ứng khác. Chàm nang lông gây ra các triệu chứng sẩn trên bề mặt, có thể gây ngứa đối với một số trường hợp. Khi có các dấu hiệu da bị sần lên theo mảng, tốt nhất là bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị kịp thời. Đối với tình trạng thâm và dày da ở cùi trỏ, mắt cá chân, bạn có thể áp dụng cách chăm sóc da để giảm nhẹ: thường xuyên tẩy da chết, bôi kem dưỡng da, loại bỏ thói quen như ngồi khoanh chân, chống cùi trỏ tay trên những chỗ thô ráp.

BS. Trần Lan Phương